31/12/2021

Nhà đầu tư ôm hàng chờ “sóng” đầu năm 2022

Nhà đầu tư ôm hàng chờ “sóng” đầu năm 2022

Nhiều nhà đầu tư BĐS vẫn chờ đợi cơn sóng mới vào đầu năm 2022 để đẩy hàng, mặc dù dịch bệnh chưa chấm dứt hẳn.

Giai đoạn này, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường BĐS có phần ổn định hơn thời điểm mới nới giãn cách xã hội (đầu tháng 10/2021). Niềm tin vào thị trường đã tốt hơn; hoạt động đầu tư rục rịch ở một số khu vực. Trong đó, khá nhiều nhà đầu tư có động thái ôm hàng, tìm mua nhiều BĐS một lúc, chờ cơ hội đầu tư vào năm 2022.

Ghi nhận cho thấy, tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương… thị trường BĐS rục rịch các hoạt động đầu tư. Nhất là ở các dự án mới mở bán, gần như 70-80% là các NĐT vào mua. Những NĐT này hi vọng năm 2022 là thời điểm tốt để ra hàng, kiếm lợi nhuận.

 Anh T, một nhà đầu tư BĐS lâu năm hiện đang nắm giữ 3 mảnh đất tại Nhơn Trạch (bao gồm cả đất lẻ thổ cư và đất nông nghiệp), vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm đất tại khu ven để mua, chờ cơ hội năm 2022. Theo anh T, rất có thể năm 2022 BĐS sẽ sôi động nên vẫn gom đó để chờ. Hiện giá BĐS chưa tăng mạnh nên vẫn có thể mua được, thương lương được, nhất là vào giai đoạn cuối năm, khi mà một số chủ đất cần tiền bán ra. Những nguồn hàng như vậy sẽ mua vào để chờ chốt lời lúc thị trường nhộn nhịp.

Ghi nhận cho thấy, ở thời điểm này, thị trường BĐS cũng xuất hiện các nhóm đầu tư ôm hàng cuối năm và lướt sóng vào đầu năm sau. Đa số các nền này đều pháp lý ổn, kì vọng sự nóng ấm vào đầu năm 2022 để chốt lời. Những NĐT này thường đi theo nhóm, ưu tiên săn các nền đất lẻ đã có sổ tại khu ven, có mức giá dao động dưới 2 tỉ đồng/nền. Những NĐT này thường góp vốn với nhau, lợi nhuận chia đều.

 

Nhà đầu tư ôm hàng chờ “sóng” đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Theo chia sẻ mới đây của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, các đợt sóng bất động sản hay những đợt "sốt" đất được thị trường đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Sóng luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên. Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều.

Theo chuyên gia này, hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau. Tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư chứng khoán được, và vì thế lúc đó bất động sản là cơ hội.

"Đón sóng không dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công. Trong năm 2022 - 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy, đầu tư và chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 – 2023", TS Khương nhấn mạnh.

Bên cạnh việc chỉ ra những cơ hội đón "sóng", TS Khương cũng chỉ ra những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý trong giai đoạn này. Cụ thể, nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Nhà đầu tư mua bất động sản để ở cần cân nhắc để mua.  

Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư cần cân nhắc lại phương án kinh doanh và giảm kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước. Do vậy, nhà đầu tư cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của nhà đầu tư sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.

Mặt khác, ông Lực cũng đánh giá, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.

Bình luận của bạn
zalo