Thị trường BĐS đang nhen nhóm những bước khởi động đầu tiên ngay khi lệnh giãn cách được nới lỏng tại nhiều tỉnh thành. Giới chuyên gia nhìn nhận, bất động sản sẽ là một trong những kênh đầu tư hút dòng tiền hậu Covid-19.
Gần 3 tháng trời không thể trực tiếp thực tế thị trường mà chỉ bị động nhận thông qua môi giới, anh N.T.Q.Chiến (Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ, đang rất mong chờ TP.HCM sớm hết thời gian giãn cách để có thể đi thực tế xem trực tiếp lô đất mà mình đã cọc mua tại Bình Chánh. Theo anh Chiến, dù là đã giữ cọc lô đất nhưng nếu không xem thực tế, bản thân anh cũng khó quyết định làm hợp đồng xuống tiền. Quan trọng là phải kết thúc giãn cách thì anh mới có thể thực hiện được việc chuyển nhượng công chứng và làm việc với bên ngân hàng.
Nhà đầu tư này cũng không giấu mong muốn TP.HCM sẽ sớm có thể đi lại với các địa phương lân cận như Bình Dương, Vũng Tàu hay Phan Thiết vì anh cũng đang nhắm đến khá nhiều suất đầu tư tại các thị trường này. “Trong thời điểm dịch, tôi đã săn được một số lô đất đạp và chỉ đợi có thể trực tiếp đi khảo sát đất xong là sẽ xuống hợp đồng mua. Vậy nên nếu các địa phương sớm lưu thông bình thường trở lại, những nhà đầu tư như tôi càng sớm có thể quay lại thị trường”, anh Chiến cho hay.
Cùng tâm trạng phấn khởi, ông Trần Hiệp (Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức) vui mừng trước thông tin TP.HCM và nhiều địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách trong tháng 10. Trước thời điểm tháng 6/2021 ông Hiệp đã có ý định ra hàng mảnh đất mua vào đầu năm nay tại Vĩnh Phú, TP. Thuận An. Tuy nhiên do thời điểm đó thị trường quá khó khăn, thành phố lại thực hiện giãn cách khiến giao dịch nhà đất gần như đóng băng. Mấy tháng nay, ông Hiệp lo lắng vì không thể thoát được hàng thì khoản nợ treo lơ lửng không thể thanh toán, tiền lãi ngày càng tăng cao. Hiện tại, nới lỏng giãn cách, thị trường khởi động lại, sàn môi giới thông báo là đã có thể chạt tin rao bán và đang dần dần có khách hàng hỏi thăm.
Covid-19 tạo ra hệ lụy lớn cho kinh tế nói chung và BĐS nói riêng, không chỉ lan rộng phạm vi cả nước mà dịch bệnh còn kéo rất dài gây ảnh hưởng cực kỳ mạnh đến giao dịch nhà đất. Nguồn cung BĐS trở lên khan hiếm khi các dự án đang mở bán bị dừng lại, việc phê duyệt dự án tạo nguồn cung mới ra thị trường hạn chế bởi hoạt động chống dịch của các địa phương, hàng loạt dự án đang triển khai xây dựng phải đình trệ lại kéo theo đó là giao dịch BĐS gần như đừng yên vì không có nguồn cung và khách hàng không trực tiếp tham gia mua bán.
Nhà đầu tư nóng lòng trở lại thị trường bất động sản khi lệnh giãn cách được nới lỏng trong quý 4/2021. Ảnh minh họa
Chia sẻ về khả năng phục hồi của thị trường hậu đại dịch, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhìn nhận, với việc vacxin phủ sóng sẽ đảm bảo cho lưu thông kinh tế và tạo lực đẩy cho thị trường sôi động trở lại. Xét về tổng thể và dài hạn, thị trường BĐS vẫn sẽ tươi hồng lên. Kinh nghiệm từ các đợt dịch trước đó cho thấy, sau mỗi lần kiểm soát Covid-19 thành công, thị trường BĐS lại trỗi dậy mạnh mẽ. Vậy nên thời gian tới đây giao dịch nhà đất cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ cả ở hai phía cầu và cung.
Đồng quan điểm trên, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE cho rằng, sau 2 năm giậm chân vì đại dịch thì hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư đang nóng lòng quay trở lại thị trường, tham khảo và tìm kiếm cơ hội mới. Nhà đầu tư có nguồn tài chính hiện chỉ thiếu sản phẩm, cơ hội để xuống tiền và khi thị trường mở cửa, cơ hội này cũng sẽ mở ra. Dù trong những tháng vừa qua, giao dịch thành công trên thị trường rất thấp nhưng nguyên nhân phần lớn đến từ yếu tố khan hiếm nguồn cung, người mua không phải hết hứng thú với nhà đất mà gần như do không tìm được sản phẩm để xuống tiền.
“Nội lực về nguồn cầu trên thị trường đang rất lớn. Sự khan hiếm nguồn cung cũng sẽ tác động mạnh đến sự hồi phục của thị trường sau dịch Covid-19 do nhu cầu của người mua vẫn rất lớn. Sụ phục hồi của thị trường sẽ phụ thuộc vào diễn biến khác nhau ở từng phân khúc, có những phân khúc sẽ phục hồi ở mức cũ nhưng cũng có những phân khúc sẽ tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên số lượng người quan tâm đến BĐS vẫn rất nhiều, thậm chí sẽ còn tăng mạnh hơn cả thời điểm trước đó”, bà Dung nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận xét, thị trường BĐS đang đón nhận nhiều dòng vốn, từ vốn ngoại, dòng kiều hối cho đến vốn FDI dịch chuyển mạnh vào thị trường để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, không thiếu nguồn tiền nhàn rỗi từ trong dân chuyển hướng từ ngân hàng và chứng khoán sang nhà đất. Người mua có nhu cầu đầu tư BĐS vẫn rất mạnh, rất khỏe. Đồng thời lực cầu từ các ngành nghề khác kinh doanh kém hiệu quả đang chuyển vốn sang bất động sản với hy vọng tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lợi, thu về lợi nhuận cao từ khai thác kinh doanh, từ việc tăng giá trị của bản thân bất động sản. Chính vì vậy, vị chuyên gia này nhận định, lực cầu trên thị trường rất lớn, đặc biệt trong quý 4 dòng tiền sẽ dồn về các vùng trũng như đất nền, khu đô thị phát triển, những khu du lịch nghỉ dưỡng có tiềm năng phát triển tốt.