Đông Anh là một huyện ngoại thành phía bắc Hà Nội, có diện tích 182,3 km2 với 23 xã và một thị trấn. Ranh giới huyện này chỉ cách trung tâm Hà Nội qua con sông Hồng, từ trung tâm huyện (thị trấn Đông Anh) tới hồ Hoàn Kiếm cũng khá gần, khoảng 10 km.
Phía bắc Đông Anh giáp huyện Sóc Sơn; phía nam giáp quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm với ranh giới là sông Hồng; đông nam giáp quận Long Biên và huyện Gia Lâm với ranh giới là sông Đuống; phía đông huyện Đông Anh giáp thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; phía tây giáp huyện Mê Linh.
Thị trường bất động sản Đông Anh ngày càng được nhiều người quan tâm do sở hữu nhiều ưu thế về vị trí địa lý, hạ tầng…
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, trong đó Đông Anh là một phần của khu đô thị trung tâm được mở rộng về phía bắc sông Hồng.
Trong đó khu đô thị Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì.
Ngoài ra sẽ hình thành khu thể thao mới TP Hà Nội và Quốc Gia (phục vụ ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của thành phố. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,55 triệu người.
Khu đô thị Mê Linh – Đông Anh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,45 triệu người.
Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, vì vậy một phần diện tích của Đông Anh, đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây – Cổ Loa.
Hà Nội đang trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành vào tháng 6 tới.
Tại huyện Đông Anh, quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ đi qua 8 xã, bao gồm Đại Mạch, Võng La, Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Tầm Xá, Xuân Canh, Đông Hội và Mai Lâm, chủ yếu ở khu vực ngoài đê.
Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản ven đô Hà Nội hoạt động nhộn nhịp với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Sunshine, Eurowindow,… Tại Đông Anh, cùng với thông tin sắp lên quận, nhiều nhà đầu tư đang rót vốn vào khu vực này để triển khai một số dự án quy mô lớn.
Trong đó có thể kể tới dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia rộng 90 ha, do VEFAC – thành viên của Tập đoàn Vingroup đầu tư ở địa bàn các xã Đông Hội, Xuân Canh.
Với tổng vốn đầu tư 7.336 tỷ đồng, dự án dự kiến hoàn thành vào quý III/2024. Khi hoàn thiện, đây sẽ là trung tâm triển lãm lớn nhất châu Á và thứ 5 thế giới.
Ngoài dự án trên, công ty con của Vingroup còn rót vốn vào một dự án khác tại Đông Anh là Vinhomes Cổ Loa, hay còn gọi là khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm.
Tổng vốn đầu tư dự kiến 34.879 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2020 – 2025.
Mới đây nhất, VEFAC đã có động thái xin ý kiến cổ đông phát hành 1,1 tỷ cổ phiếu VEF, tăng vốn lên 12.691 tỷ đồng nhằm thực hiện 4 đại dự án, trong đó có hai dự án trên.
Phía tây nam huyện Đông Anh, siêu dự ánSmart City 4 tỷ USD của BRG và Sumitomo tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ chính thức động thổ vào ngày 6/10/2019. Cú bắt tay của BRG và tập đoàn từ Singapre biến đây trở thành một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Dự án này có diện tích 272 ha, được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11 km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Dự án được triển khai theo 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Cách siêu dự án Smart City khoảng 7 km về phía Bắc, dự án Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical 3.500 tỷ đồng của Tập đoàn TH chính thức động thổ vào ngày 16/10/2019 tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là một bệnh viện quy mô lớn tại địa phương bên cạnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương đang hoạt động.
Sungroup cũng là một tập đoàn lớn đang góp mặt trong cuộc đua rót vốn vào Đông Anh. Doanh nghiệp này chi hơn 4.600 tỷ đồng vào dự án công viên Kim Quy, thuộc thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc.
Với quy mô khoảng 190 ha, công viên Kim Quy được Sungroup động thổ vào tháng 9/2016. Hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh các siêu dự án của loạt ông lớn, Đông Anh là nơi quy tụ của hàng chục dự án, khu đô thị, khu nhà ở, tái định cư trong tương lai như khu nhà ở xã hội Green Link City, khu đô thị Kosy Complex Kim Nỗ, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, khu đô thị Bắc Thăng Long – Vân Trì, khu tái định cư Cổ Loa, dự án Khu liên hợp Bệnh Viện CHI, công viên phần mền Vintech,…
Ngoài việc thu hút các dự án lớn, cơ sở hạ tầng cũng là một trong những mấu chốt khiến bất động sản Đông Anh tăng nhiệt. Khu vực này có nhiều dự án xây dựng hệ thống cầu, đường chuẩn bị triển khai.
Hiện tại, để đi vào trung tâm thành phố, người dân Đông Anh sẽ di chuyển qua hai cây cầu hiện hữu bắc qua sông Hồng là Nhật Tân và Thăng Long. Bên cạnh đó, Đông Anh còn có cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, kết nối với quận Long Biên.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ngoài cầu Nhật Tân và Thăng Long, thành phố sẽ xây thêm ba cây cầu vượt sông Hồng để kết nối huyện Đông Anh với trung tâm Hà Nội, đó là: Tứ Liên, Thượng Cát và cầu Thăng Long mới.
Cầu Tứ Liên dài 3 km bắc từ Nghi Tàm, Tây Hồ sang xã Đông Hội, Đông Anh. Theo quy hoạch, cây cầu này được triển khai trong giai đoạn 2020 – 2025.
Cầu Thượng Cát dài 5 km nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Theo lộ trình được đưa ra trong quy hoạch, giai đoạn triển khai của dự án này là 2016 – 2020. Tuy nhiên hiện nay, cây cầu vẫn chưa được khởi công.
Dự án cầu Tứ Liên và cầu Thượng Cát trước đây Hà Nội đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Nay hình thức này bị hủy bỏ, vì vậy mới đây Hà Nội chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng hình thức đầu tư công và hình thức khác phù hợp.
Thành phố đề xuất dùng ngân sách và nguồn đầu tư phù hợp để xây dựng hai cây cầu này, dự kiến tổng vốn khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, cầu Thượng Cát khoảng 9.000 tỷ đồng.
Cũng theo quy hoạch, giai đoạn sau năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng cầu đường bộ Thăng Long mới (Vành đai 3) dài hai km, song song với cầu Thăng Long hiện tại.
Ngoài các cây cầu nói trên, theo bản đồ định hướng phát triển giao thông Phân khu N9 và Phân khu N10 thì còn một cây cầu khác có thể được xây dựng bắc qua sông Đuống, kết nối Đông Anh với quận Long Biên. Vị trí định hướng xây dựng cầu này là đoạn nối đê Phương Trạch (gần bến phà Đông Hội, Đông Anh) với đường Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Như vậy trong tương lai, sẽ có tổng số 6 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, kết nối Đông Anh với khu vực trung tâm và các quận huyện khách của Hà Nội.
Tuy nhiên, ngoài các cây cầu hiện hữu, các khu đất trong quy hoạch làm 4 cây cầu mới nói trên đều chưa được đưa vào kế hoạch sử dụng đất của TP Hà Nội.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong giai đoạn 2020 – 2050 sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 2, 4 và 7 đi qua địa phận huyện Đông Anh.
Tuyến số 2 Nội Bài – Dương Xá (Phú Thụy) chạy qua đường Võ Nguyên Giáp. Tuyến số 4 Mê Linh – Liên Hà chạy qua đường Hoàng Sa, Trường Sa. Tuyến số 7 Mê Linh – Đô thị mới Nhổn – Vân Canh – Dương Nội.
Giao thông được ví như xương sống của “con rồng mới” Đông Anh. Trong đó, trục chính là tuyến cao tốc từ sân bay Nội Bài về trung tâm TP Hà Nội.
Theo Nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, Đông Anh là huyện có diện tích đất thu hồi lớn nhất Hà Nội với 1.023 ha. Mục đích thu hồi để làm 136 dự án, trong đó có việc cải tạo, mở rộng nhiều tuyến giao thông quan trọng.
Đơn cử như tuyến đường từ thị trấn Đông Anh đi qua khu vực trung tâm xã sẽ được mở rộng trên cơ sở đường liên xã hiện có.
Hay như tuyến đường dọc mương Mạnh Tân đi xã Liên Hà và tỉnh Bắc Ninh sẽ được nghiên cứu xây dựng hai tuyến đường có mặt cắt ngang 11,5 – 24 m.
Một số dự án giao thông khác như hoàn thiện tuyến đường phía đông khu đô thị Uy Nỗ; xây dựng tuyến đường trung tâm từ chợ trung tâm đến đường Phúc Lộc; xây dựng tuyến đường gom và kè sông Đào Nguyên Khê đoạn từ cầu Đôi đến đường sắt Hà Nội – Lào Cai; xây dựng đường kết nối từ Nam Hà đến trục kinh tế miền đông,…
Với các tuyến giao thông trọng điểm, trong quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, sẽ có tuyến đường vành đai 2 và 3, quy mô 8 – 10 làn xe đi qua địa phận huyện Đông Anh.
Đường Vành đai 2 sẽ đi qua khu vực Nhật Tân – Vĩnh Ngọc – Đông Hội. Đường Vành đai 3 qua Việt Hùng – thị trấn Đông Anh – Tiên Dương – Nam Hồng. Tuyến đường này khi ra đến đoạn sông Hồng sẽ đi trùng với cầu Thăng Long mới.
Ngoài ra, trong tương lai tuyến đường Vành đai 3,5 có chiều dài khoảng 9,1 km sẽ chạy qua địa bàn huyện Mê Linh và huyện Đông Anh. Dọc tuyến đường này chính là nơi dự kiến quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 7 đi nổi tại dải phân cách, và đi qua nhiều khu đô thị lớn trong khu vực.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng hai tuyến đường gom dọc theo quốc lộ 3 mới (đoạn từ nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường quốc lộ 3 mới) đến hết địa phận huyện Đông Anh; xây dựng tuyến đường nối trục từ quốc lộ 3 (cũ) đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp.
Trong Nghị quyết số 13 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 của TP Hà Nội, Đông Anh được rót vốn vào 26 dự án, với tổng mức đầu tư trên 1.389 tỷ đồng.
Cụ thể như quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; cải tạo đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê, nối Bệnh viện Đông Anh đến ngã ba Kim, tổng mức đầu tư 382,4 tỷ đồng; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu vực Thủ đô (khu vực trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia), trị giá 0,3 tỷ đồng; quy hoạch phân khu đô thị GN(A) tỷ lệ 1/5000 trị giá 1,9 tỷ đồng; quy hoạch chi tiết điểm dân cư đô thị hóa thôn Lại Đà, tổng đầu tư 2,99 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là 5 dự án xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc tỷ lệ 1/500 tại 4 khu vực bao gồm: Tuyến quốc lộ 3 cũ đoạn từ đường Trường Sa đến hết địa phận Đông Anh, trị giá 2,179 tỷ đồng; tuyến đường liên khu vực Bắc đầm Vân Trì – Cổ Loa – Cầu Đuống, 2,547 tỷ đồng; tuyến đường chính đô thị nối từ Võ Văn Kiệt đến đường vành đai 4, trị giá 1,520 tỷ đồng; tuyến đường Nguyên Khê – Tiên Dương – Lễ Pháp tỷ lệ 1/600, 0,768 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường phía tây thôn Hội Phụ nối với đường khu tái định cư Đông Hội đến thôn Lê Xá trị giá 55,7 tỷ đồng; xây dựng trung tâm văn hóa, TDTT huyện Đông Hội với tổng vốn 80,2 tỷ đồng.
13 dự án liên quan đến trường học bao gồm cải tạo, nâng cấp trường THPT Đông Anh với tổng mức đầu tư 51,5 tỷ đồng và xây dựng trường tiểu học Việt Hùng 100 tỷ đồng, xây dựng và cải tạo 11 trường học khác với tổng mức đầu tư trên 707 tỷ đồng.
Theo báo cáo về Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố công bố năm 2018 (hiện đang được tái giám sát), huyện Đông Anh có tất cả 22 dự án vi phạm.
Trong đó, thành phố đã thu hồi 373 ha đất trậm triển khai dự án tại xã Hải Bối, do CTCP Quản lý và Xây dựng đường bộ 234 làm chủ đầu tư.
5 dự án có dấu hiệu vi phạm với tổng diện tích là 10,4 ha là trạm bơm nước Hải Bối; trụ sở Ngân hàng Công thương – CN Bắc Thăng Long; cửa hàng giới thiệu sản phẩm của CTCP sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI; văn phòng, kho sản xuất của CTCP đầu tư và sản xuất công nghiệp; khu liên hiệp xí nghiệp chế biến rau củ quả an toàn Hapro.
Một dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cao tầng tại ô đất 5, B3 khu tái định cư Đông Hội.
Bên cạnh đó có 15 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai địa phương đề nghị rà soát liên quan đến xây dựng trường học, bãi đỗ xe, đấu giá đất.
Theo quyết định phê duyệt Kế hoạch Phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh dự kiến thành lập quận trong giai đoạn này.
Tại một hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức cuối năm ngoái, một lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, địa phương này còn 8/27 tiêu chí lên quận chưa đạt. Trong đó, đa phần là do vướng về cơ chế, nếu tháo gỡ sẽ thực hiện được. Đơn cử như chỉ tiêu cân đối ngân sách, xử lí nước thải,…
Cũng theo vị đại diện này, từ nay đến năm 2023, Đông Anh sẽ hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để đạt mục tiêu thành lập quận.
Tại huyện Đông Anh, đã có 13/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt, trong đó 88,68% đất tự nhiên của huyện được xác nhận là vùng đô thị trung tâm mở rộng.
Trong 81 khu dân cư hiện hữu, có 72 đồ án đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và 4 đồ án đang nghiên cứu đề xuất. Đối với đầu tư hạ tầng, huyện đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ và hoàn thiện 20 tuyến giao thông khung, gồm 14 tuyến liên khu vực và 4 trục chính đô thị…
Thời gian tới, Đông Anh sẽ triển khai thực hiện 22 dự án hạ tầng khung thuộc nhiệm vụ chi thành phố giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài ra, huyện này kiến nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch chung, đưa khoảng 2.000 ha thuộc địa bàn các xã Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng, Xuân Nộn và Dục Tú thành khu vực phát triển đô thị và lập quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực này.
Vài năm trở lại đây, giá đất Đông Anh đã có nhiều biến động theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, con số này tiếp tục dựng đứng theo thông tin lên quận và quy hoạch Phân khu hai bên sông Hồng.
Theo tìm hiểu, Đông Anh đã trải qua nhiều lần sốt đất sau những thông tin quy hoạch. Cách đây hơn 10 năm (2010 – 2011), Đông Anh lần đầu tiên xuất hiện sốt đất, khi giới đầu tư tích cực săn đất để đón đầu dự án cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù.
Tuy nhiên, chỉ tới cuối năm 2011, thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào khủng hoảng, “bong bóng” bất động sản bị vỡ. Giá đất tại nhiều địa phương giảm mạnh, và Đông Anh cũng không ngoại lệ.
Vào năm 2017, sau khi râm ran thông tin huyện Đông Anh sẽ trở thành quận vào năm 2020, giá đất ở những vị trí trung tâm (thị trấn và khu lân cận, khu vực gần một số dự án lớn như công viên, khu công nghiệp, gần cầu Nhật Tân) đã bị “thổi” lên 20 – 25%. Giá đất thị trấn Đông Anh dao động từ 60 – 100 triệu đồng/m2, nhiều khu vực khác từ 20 – 50 triệu đồng/m2.
Những tháng gần đây, thị trường bất động sản Đông Anh lại có sự biến động mạnh sau thông tin quy hoạch Phân khu đô hai bên sông Hồng sắp được phê duyệt.
Cụ thể, giá đất nhiều nơi ở Đông Anh đang dao động từ 50 đến 100 triệu đồng/m2, trung bình giá tăng từ 15 – 20% so với giai đoạn trước. Thậm chí một số khu vực còn bị đẩy giá tăng 50%.
Tại phường Xuân Canh, đất trong ngõ nhỏ trước đây chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2, giờ đã lên 28 – 30 triệu đồng/m2. Đất đẹp ở Tứ Liên, pháp lý đầy đủ giờ cũng hơn 100 triệu đồng/m2. Đất khu vực thị trấn Đông Anh từ 100 – 120 triệu đồng/m2.
Đất đấu giá ở Đông Anh cũng nằm ở mức khá cao gần đây. Trung bình đất đấu giá tại huyện này đang dao động 35 – 70 triệu đồng/m2. Tại khu vực trung tâm thị trấn Đông Anh, đất đấu giá ở ngưỡng 80 – 100 triệu đồng/m2.
Trước làn sóng sốt đất thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều địa phương trên cả nước đã có những cảnh báo người dân, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện biện pháp ngăn ngừa tình trạng sốt đất ảo. Đông Anh cũng không phải ngoại lệ.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban, các đơn vị liên quan phối hợp tuyên truyền đến người dân, tránh để những nhà môi giới tự ý đẩy giá đất lên mà người dân không nắm được thông tin, dẫn đến bất ổn trong diễn biến về bất động sản”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh trả lời phỏng vấn VTV.