Chia sẻ trong trong báo cáo chuyên đề về thị trường BĐS nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận 2021, ông Phạm Lâm, TGĐ DKRA Việt Nam đưa ra các dự báo về sự phát triển của từng phân khúc BĐS trong năm 2021.
Đất nền: tiềm năng cho các thị trường vùng ven
Với thị trường đất nền, ông Phạm Lâm cho biết, năm 2020 khu vực TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận khoảng 84 dự án mở bán (khoảng 13,179 nền), trong đó TP.HCM chỉ có khoảng 564 nền đất chào bán. Dù nguồn hàng ít ỏi nhưng sức tiêu thụ đất nền tại TP.HCM đạt thấp, chỉ khoảng 21% nguồn cung giao dịch thành công.
Tuy nhiên ông Lâm cho rằng, trong năm 2021 nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền có thể phục hồi và tăng so với năm 2020. Trong năm 2021 thị trường BĐS khó có thể kỳ vọng như giai đoạn năm 2017-2018, song vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi của thị trường bất động sản TP và vùng phụ cận. Nguồn cung mới của thị tường giáp ranh có thể tăng so với năm 2021 và tập trung chủ yếu ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu trong năm nay. Trong đó, Bình Dương đang dẫn đầu khu vực về nguồn cung, chiếm khoảng 43% tổng sản phẩm mới của toàn thị trường. Thị trường Đồng Nai sẽ tăng sức hấp dẫn nhờ những thông tin quy hoạch về các dự án hạ tầng giao thông lớn sắp triển khai.
Nguồn cung phân khúc đất nền sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 tại các thị trường vung ven và giáp ranh TP.HCM. Ảnh minh họa.
TP.HCM rất khó có biến động lớn về loại hình này do quỹ đất đã không còn nhiều để triển khai những dự án nhà gắn với đất. “Các dự án đất nền năm nay ở TP.HCM sẽ tập trung ở các khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9… Tuy nhiên, chủ yếu trong số này là những dự án có quy mô nhỏ, phân lô hộ lẻ”, ông Lâm cho hay.
Phân khúc căn hộ tại TP.HCM sẽ lấy lại sức nóng
Ở phân khúc căn hộ, TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận khoảng 88 dự án mở bán (khoảng 30.042 căn) trong năm 2020, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Bình Dương. Trong năm qua Bình Dương nổi lên là tâm điểm của thị trường với hàng loạt dự án mở bán, chiếm 35,1% tổng nguồn cung mới của toàn khu vực phía Nam. Đặc biệt năm 2020 thị trường liên tục xác lập mặt bằng giá chung cư tăng mạnh. TP.HCM tiệm cận mức trung bình gần 55 triệu/m2, Bình Dương vươn lên mức giá 40 triệu/m2. Mặt bằng giá sơ cấp tăng mạnh nhưng thanh khoản giao dịch thứ cấp lại giảm sút. Xét về lượng căn hộ mới trong năm 2021, ông Lâm dự báo nguồn cung sẽ gia tăng mạnh ở hầu hết các địa phương nhưng sức cầu rất khó sôi động như năm 2019. Ở TP.HCM, khu Đông và khu Nam tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung mới.
“Năm 2020 phân khúc căn hộ tại các thị trường lân cận như Bình Dương giao dịch sôi động, giá tăng đột biến một phần là nhờ thị trường chính là TP.HCM khan hiếm sản phẩm rao bán. Nguồn cung nhà ở TP.HCM dự kiến sẽ được "tháo khóa" và bùng nổ trở lại trong năm 2021. Nhu cầu ở và kinh doanh tại TP.HCM là rất lớn, với các chính sách “mở cửa” cho các dự án nội thành phát triển. Thị trường vùng ven sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự tăng trưởng nguồn cung tại TP.HCM sẽ tạo ra áp lực khiến các dự án vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phải nghiêm túc hơn trong vấn đề pháp lý dự án cũng như giá bán”, ông Lâm cho hay.
Bất động sản nghỉ dưỡng: nguồn cung tăng nhưng sức mua khó có biến
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2021. Ảnh minh họa
Năm 2020 phân khúc nghỉ dưỡng gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Toàn thị trường chỉ có 541 căn biệt thự chào bán nhưng tiêu thụ chưa đến 44%. 3 dự án condotel rao bán nhưng tỷ lệ tiêu thụ đạt chỉ bằng 4% so với năm 2019. Theo ông Phạm Lâm, nguồn cung condotel và biệt thự biển năm 2021 có thể tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng sức cầu chung toàn thị trường vẫn khó tăng trưởng mạnh, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để thay đổi đột biến.
"Trong năm 2021 nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tích cực, BĐS nghỉ dưỡng có thể phục hồi nhưng để tăng trưởng mạnh như giai đoạn 2017-2018, vẫn sẽ cần thêm nhiều nguồn lực và chính sách hỗ trợ. Năm 2021 phân khúc nghỉ dưỡng sẽ còn đối mặt nhiều thách thức", ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo TGĐ DKRA Việt Nam, bước sang 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường BĐS nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm 2019 dù năm qua có nhiều biến động. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 - mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường chuyển mình.
Bên cạnh đó, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP,… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn. Đặc biệt, việc thành lập thành phố Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2021 cũng là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá.