12/10/2022

Đông Anh, Gia Lâm có thể lên quận vào năm 2023

Đông Anh, Gia Lâm có thể lên quận vào năm 2023

Thành phố sẽ hỗ trợ và quyết tâm đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.

Sáng 12/10, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ tư, ông Dũng cho hay, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, nhưng "nếu dàn hàng ngang thì khó thành công". Vì thế, thành phố chọn Đông Anh và Gia Lâm. "Lãnh đạo thành phố đang cùng các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cấp thẩm quyền, cố gắng năm 2023 hai huyện này sẽ lên được quận", ông Dũng nói.

Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Giang Huy.

Một góc khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Giang Huy

Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

Qua quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã tăng lên 12 quận như ngày nay (thêm 8 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân).

Huyện Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, có 23 xã, một thị trấn. Huyện Gia Lâm diện tích gần 115 km2, dân số 280.000, có 20 xã và 2 thị trấn.

Tại buổi tiếp xúc, chia sẻ với cử tri về những vấn đề an sinh xã hội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình phát triển của Thủ đô đã cho thấy rất nhiều bất cập trong đó có vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, trường học và phòng cháy chữa cháy.

Vừa qua, thành phố chủ yếu phát triển hướng vào trung tâm, cư dân thu hút vào nội đô, gây áp lực cho hạ tầng kinh tế - xã hội. Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có tới 90.000 dân, trong khi quy định hiện hành, mỗi xã phường chỉ có một trường tiểu học, một trường trung học và một trạm y tế.

"Với phường 90.000 dân như vậy thì làm gì chả thiếu trường học, thiếu cơ sở y tế. Cho nên chúng ta phải xem xét lại những vấn đề này", Bí thư Hà Nội nêu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12/10. Ảnh: Trường Nguyễn

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12/10. Ảnh: Trường Nguyễn

Để giải quyết những bất cập, Hà Nội cùng các cơ quan Trung ương đã tập trung cho việc xây dựng tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô, tổng mức đầu tư 87.000 tỷ đồng, dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Thành phố cũng đang tập trung giải quyết những dự án giao thông chậm tiến độ.

Ông Dũng cho biết, nếu năm 2021, thành phố và các cơ quan Trung ương không quyết tâm thì tuyến đường sắt Cát Linh - Yên Nghĩa không thể khai thác.

Với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, dự kiến đưa vào vận hành hơn 8 km trên cao từ Nhổn đến Voi Phục cuối năm 2022. Phần đi ngầm dài hơn 4 km của tuyến đường sắt này gặp vướng mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng, hiện đã được giải quyết. "Đây là dự án quan trọng, bởi nếu không làm đường sắt đô thị thì không giải quyết được vấn đề giao thông, khói bụi, ô nhiễm môi trường", ông Dũng nói.

Đề cập về vấn đề thủ tục hành chính của thành phố. ông Dũng nói: "Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi rất trăn trở với câu này, nghĩa đen cũng có, nghĩa bóng cũng có". Ngay trên địa bàn Gia Lâm, muốn xây một ngôi trường cấp 3 mà địa phương xin 3 năm không được.

Bí thư Hà Nội thông tin, vừa qua thành phố đã tạo bước đột phá khi phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính. Nhưng đây mới là bước đầu, sắp tới, thành phố sẽ rà soát, phân cấp, ủy quyền mạnh hơn nữa cho các quận, huyện, thị xã.

Bình luận của bạn
zalo