17/06/2021

Đầu tư đất có sổ đỏ, nhà đầu tư vẫn điêu đứng

Đầu tư đất có sổ đỏ, nhà đầu tư vẫn điêu đứng

Nhiều người dân khi có một khoản tiền tích lũy nhất định đã chọn đầu tư bất động sản như một kênh bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản. Họ có tâm lý cẩn trọng với suất đầu tư đầu tiên của mình. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dù mua đất có pháp lý rõ ràng nhưng vẫn rơi vào cảnh điêu đứng.

Đầu năm 2018, khi tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng, anh Thành Hưng (Thái Bình) không muốn gửi ngân hàng mà tính toán mua đất với mong muốn lợi nhuận cao hơn. Anh tham gia một nhóm mua bán đất Thái Bình trên facebook và thấy có mảnh đất gần 500 triệu nằm gần trung tâm hành chính một huyện trong tỉnh. Thấy đất rẻ, vị trí trung tâm, anh vội vàng liên hệ môi giới và hết giờ làm liền đi xem đất luôn. Môi giới dẫn anh đến một mảnh đất hơn 100m2 nằm trong một ngõ nhỏ rộng khoảng 3m. Anh Hưng rất ưng ý mảnh đất này do giấy tờ pháp lý đầy đủ, giá rẻ, dù nằm trong ngõ nhưng gần chợ, đi ra đường chính chỉ khoảng trăm mét. Anh Hưng còn cẩn thận lên huyện để kiểm tra pháp lý, quy hoạch trước khi xuống tiền.

Đến đầu năm 2019, sau 1 năm đầu tư, anh Hưng quyết định bán mảnh đất để có tiền xây nhà. Khi đó, anh treo biển và bán chênh 100 triệu đồng. Thế nhưng suốt cả năm 2019, dù có người đến xem đất nhưng không ai mua. Lúc đó, hỏi người dân xung quanh anh Hưng mới biết, mảnh đất do nằm sau một ngôi chùa nên nhiều người không muốn mua do quan niệm nhà gần chùa chiền, miếu mạo thì nặng âm khí. Thời điểm mua, anh Hưng đã thấy ngôi chùa đó nhưng lại ko để tâm, đúng hơn, tự nhận mình là người vô thần, anh vốn không tin vào những chuyện anh cho là không có cơ sở khoa học nên không hề có kiến thức về nhà gần chùa. Ròng rã hơn 1 năm, đầu năm 2020, anh mới gặp người mua thực sự thiện chí với giá bán bằng đúng mức giá anh mua vào.

Tương tự, cách đây 4 năm, vợ chồng chị Nguyễn Minh Phượng (Hoài Đức, Hà Nội) cũng tích được khoảng tiền 500 triệu đồng và bắt đầu tính toán việc mua nhà Hà Nội. Cả 2 vợ chồng làm ở Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, do tài chính eo hẹp liền quyết định tìm mua nhà đất ở Hoài Đức vừa để ở, vừa là 1 khoản đầu tư. Thời điểm đó để mua được cả nhà và đất ở Hoài Đức cũng cần khoản tiền 800 triệu đồng-1 tỷ. Hai vợ chồng xác định sẽ vay thêm ngân hàng. Một lần, chị Phượng thấy tin rao quảng cáo một căn nhà cấp 4 trên mảnh đất hơn 30m2 có giá hơn 500 triệu đồng ở Hoài Đức, chị và chồng liền đến xem. Căn nhà cấp 4 nằm trong một ngõ nhỏ, hạ tầng đường xá đều đã có, xung quanh đều đã có nhà dân và giấy tờ sổ đỏ đầy đủ. Chủ đất cho biết do làm ăn thua lỗ, cần tiền nên mới bán giá rẻ đó, nếu chị không mua thì cũng đã có người quen của chủ đất đang hỏi. Sợ tuột mất cơ hội sở hữu nhà giá rẻ, hai vợ chồng chị quyết định mua luôn.

Về sống một thời gian, chị Phượng mới biết sở dĩ mảnh đất này giá rẻ dù pháp lý đầy đủ không phải vì chủ đất vỡ nợ cần tiền bán gấp mà do trước đây, đây là đất ao và từng có người chết đuối. Sau đó, ao được lấp, được chủ chuyển đổi lên thổ cư và đem rao bán. Người dân nơi đây vì nắm rõ nguồn gốc mảnh đất nên không ai mua vì cho rằng đất như thế là “đất dữ”. Ở được 2 năm thì đến năm 2018, bố mẹ chị Phượng bán mảnh đất ở dưới quê và cho chị số tiền bán đất đó. Hai vợ chồng chị quyết định sẽ chuyển nhà về trung tâm cho tiện việc đi lại, học hành của con cái. Ngoài tiền bán đất ông bà dưới quê cho, tích lũy thêm của 2 vợ chồng thì để đủ tiền mua nhà, 2 vợ chồng chị phải bán căn nhà cấp 4 hiện tại. Thế nhưng rao bán từ cuối năm 2019 đến nay với mức giá rẻ so với giá thị trường, chị vẫn chưa bán được. Lai lịch của mảnh đất khiến gia đình chị rất khó bán. Chị Phượng cho biết: “Người đi mua đất không chỉ nghe chủ nhà hay môi giới nói mà họ còn lân la các quán nước dò hỏi hàng xóm, người dân xung quanh để biết về mảnh đất, không vội vàng như vợ chồng tôi khi xưa”. Chị Phượng cho biết dù sống trên “đất dữ” nhưng 3 năm gia đình chị sinh sống, làm việc ở đây hoàn toàn bình thường, không thấy phát sinh các vấn đề gì lớn.

Ông Phạm Đức Hải, một người chuyên thu gom các khu đất lớn để phân lô bán nền vùng ven Hà Nội cho biết, việc mua bán đất không chỉ đơn thuần là giá cả, pháp lý mà cần quan trọng cả vấn đề phong thủy, nguồn gốc mảnh đất. Với văn hóa của người Việt, việc mua bán đất còn phụ thuộc vào quan niệm, tập tục, văn hóa vùng miền, địa phương. Người mua cần tìm hiểu cả các yếu tố này trước mỗi quyết định mua bán để tránh rủi ro.

Bình luận của bạn
zalo