Gần vị trí làm cầu Ngọc Hồi có rất nhiều khu đô thị lớn đã, đang và sẽ triển khai, trong đó có loạt dự án của Vinhomes và Ecopark.
Văn Giang, vùng đất của những khu đô thị
Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích 7.179 ha. Đây vốn là địa phương có rất nhiều đất nông nghiệp. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa có dấu hiệu ngày càng nhanh với sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị lớn.
Khu đô thị hiện hữu nổi bật thời gian qua có lẽ là Ecopark. Gần đây, thị trường bất động sản phía Bắc lại hướng về Văn Giang với những thông tin mới về hai khu đô thị lớn của Vinhomes, đó là Dream City và Đại An.
Chỉ tính ba khu đô thị Ecopark, Dream City và Đại An (phần nằm trên địa bàn huyện Văn Giang) đã chiếm khoảng 1/7 diện tích toàn huyện.
Trong khi đó, thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Hưng Yên thì huyện Văn Giang còn có hàng loạt khu đô thị khác như: Xuân Cầu, Minh Giang, Xuân Thành…
Tất cả các dự án nói trên đều nằm trong phạm vi khoảng 6 km từ vị trí làm cầu Ngọc Hồi. Trong đó, Khu đô thị Xuân Cầu nằm ở vị trí ngay sát chân cầu. Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng chỉ cách cầu Ngọc Hồi khoảng 7 km.
Chính vì vậy, khi được xây dựng, cầu Ngọc Hồi không chỉ giúp người dân huyện Văn Giang có thêm đường di chuyển sang Hà Nội mà còn là hướng đi thuận lợi nhất để kết nối với các tỉnh thành phía Nam như Hà Nam, Ninh Bình…
Đáng chú ý, theo quy hoạch thì đường Vành đai 3,5 sẽ được mở có lộ trình nối quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (quốc lộ 5B), cầu Ngọc Hồi, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội), dọc phía Tây Hà Nội. Vành đai 3,5 này đi qua hoặc đi rất gần các khu đô thị kể trên.
Bao giờ làm cầu Ngọc Hồi?
Nhiều người dân và các nhà đầu tư bất động sản sẽ quan tâm tới thời gian làm cầu Ngọc Hồi. Về điều này, theo quy hoạch giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 thì lộ trình triển khai cầu Ngọc Hồi là trong giai đoạn 2025 – 2030.
Tuy nhiên, không phải dự án hạ tầng nào cũng triển khai đúng theo lộ trình được đề cập trong quy hoạch.
Trên thực tế, việc thực hiện một dự án sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương thức đầu tư (chủ yếu liên quan đến vốn), việc giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Nếu dự án được triển khai toàn bộ bằng vốn ngân sách thì có thể phụ thuộc vào tình hình thu ngân sách nhà nước; vào thứ tự ưu tiên của các dự án đầu tư công trong từng giai đoạn…
Nếu dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tức phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp thì cũng có thể được triển khai sớm hơn dự kiến.
Từ một số yếu tố trên, thực tế có thể thấy, một số cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội được triển khai đúng thời gian hoặc sớm hơn lộ trình dự kiến trong quy hoạch như: Cầu Đồng Quang (lộ trình là giai đoạn 2020 – 2025, nhưng đã hoàn thành từ năm 2015), cầu Ba Vì – Việt Trì (lộ trình 2016 – 2020, nhưng đã hoàn thành năm 2018). Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo lộ trình là giai đoạn 2016 – 2020 thì đầu tháng 1 vừa qua đã khởi công.
Trong khi đó, một số cầu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 theo quy hoạch nhưng tới nay vẫn chưa triển khai như: Hồng Hà, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo…
Những dấu hiệu đầu tiên để triển khai cầu Ngọc Hồi?
Cho tới nay, chưa có thông tin về việc đề xuất xây dựng dự án cầu Ngọc Hồi. Tuy nhiên, hiện nay, khu đất trùng với vị trí làm cầu Ngọc Hồi ở phía Tây sông Hồng đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Khu đất này kéo dài khoảng 2 km từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ra tới mép nước sông Hồng. Trong khi đó, các khu đất trùng với vị trí làm cầu Ngọc Hồi ở phía bờ Đông sông Hồng chưa được đưa vào kế hoạch sử dụng đất, kể cả cấp thành phố.
Ngoài khu đất nói trên, các thửa đất nằm trong quy hoạch làm đường Vành đai 3,5 dài gần 8 km, đoạn từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hướng về phía Tây Bắc Hà Nội, cũng đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Việc một khu đất được đưa vào kế hoạch sử dụng cấp huyện cho thấy, nhà nước có kế hoạch chuẩn bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án theo quy hoạch trên mảnh đất đó.
(Các sơ đồ trong bài được vẽ tương đối theo bản đồ quy hoạch Hà Nội).